Việc toàn bộ hàng giám mục Chile đệ đơn từ chức lên Đức Phanxicô sau khi gặp gỡ ngài trong ba ngày tại Vatican không khỏi gây bỡ ngỡ. Dù trước các cuộc gặp gỡ này đã có đồ đoán là Đức Phanxicô sẽ sa thải hoặc yêu cầu một số giám mục Chile từ chức liên quan đến việc che đậy các lạm dụng tình dục trẻ em.

Thực thế, theo John L. Allen Jr. của tạp chí Crux, các cơ quan truyền thông vốn tin rằng sẽ có “nhiều chiếc đầu lăn quay” (heads will roll), nghĩa là Đức Phanxicô sẽ áp đặt kỷ luật đối với một số giám mục được nhận diện thuộc giới thân cận của Cha Fernando Karadima, linh mục ấu dâm tai tiếng nhất xứ sở.

Niềm tin trên một phần dựa vào công luận. Vì quả trước các cuộc gặp gỡ của Đức Phanxicô, đã có lời kêu gọi ngài sa thải ít nhất 4 giám mục đang tại chức là: Juan Barros, Andrés Arteaga, Tomislav Koljatic, và Horacio Valenzuela, những vị được coi là do cha Karadima huấn luyện và bị tố cáo là biết các hành vi lạm dụng của vị linh mục này nhưng đã không khai báo. Riêng Đức Cha Barros thì trước sau như một vẫn cương quyết tuyên bố rằng ngài vô tội, không biết các hành vi lạm dụng của người dìu dắt mình.

Hầu hết các nạn nhân đồng ý với yêu cầu trên. Riêng Juan Carlos Cruz, một trong ba nạn nhân được hội kiến với Đức Phanxicô hồi tháng trước, lên tiếng kêu gọi mọi giám mục Chile từ chức. Điều thực sự vừa xẩy ra vào ngày 17 tháng 5 vừa qua, khi toàn bộ các giám mục đang tại chức đồng loạt xin từ chức.

Việc từ chức có ý nghĩa gì?

Việc đồng loạt từ chức trên có ý nghĩa gì? Khó mà trả lời. Có điều, các giám mục Chile cho hay: trong khi chờ đợi quyết định của Đức Phanxicô đối với việc đồng loạt từ chức này, các ngài vẫn tiếp tục thi hành thừa tác vụ của mình và hứa “cam kết làm cho ‘gương mặt của Chúa một lần nữa rạng rỡ trong Giáo Hội của chúng ta’” và “trong khiêm nhường và hy vọng” xin mọi người hỗ trợ.



Chắc chắn sẽ không có chuyện Đức Phanxicô chấp nhận mọi đơn từ chức. Ngài sẽ chấp nhận một số và sẽ bác bỏ phần lớn. Vì nếu không, Giáo Hội Chile thay vì tiến lên sẽ tê liệt và thụt lùi thảm hại. Trong số những đơn bị bác, người ta không thể đương nhiên loại bỏ đơn từ chức của vị giám mục “cò súng” làm nổ tung cuộc khủng hoảng là Đức Cha Barros. Thực vậy, Nữ Ký Giả NICOLE WINFIELD của Associated Press, ngày 17 tháng 5, tường trình rằng “Đức Phanxicô chào tạm biệt mỗi vị trong số 34 giám mục Chile giữa lúc có những dấu chỉ nhiều chiếc đầu sẽ lăn quay sau 4 ngày hội họp và cầu nguyện. Truyền hình Vatican cho thấy các giám mục cám ơn Đức Phanxicô khi các ngài chào tạm biệt. Vị duy nhất truyền hình chiếu được Đức Phanxicô hôn cả hai má và vỗ vai là Đức Cha Juan Barros, vị đang ở giữa vụ tai tiếng”.

Điều này có thể hiểu được, nếu ta thấy mục tiêu cuộc điều tra của Đức Tổng Giám Mục Scicluna không phải chỉ liên quan tới vị giám mục này mà thôi mà là toàn bộ Giáo Hội Chile. Lầm lỗi của Đức Cha Barros, nếu có, có thể chỉ là hậu quả của một tai tiếng bao trùm hơn của lạm “dụng quyền hành, lạm dụng lương tâm, lạm dụng tình dục”.

Thực vậy, trong các điều được truyền thông đăng tải trong mấy ngày qua, vị giám mục này ít được nhắc tới. Truyền thông lưu ý hơn tới nền văn hóa che đậy nói chung của Giáo Hội Chile. Nữ ký giả San Martín của Crux đồng ý như thế khi cô cho rằng “Dù từ năm 2015, phần lớn chú ý đối với cuộc khủng hoảng ở Chile tập trung vào Đức Cha Juan Barros của Osorno, người vốn bị tố cáo là che đậy các tội ác của người dìu dắt ngài, tức Cha Fernando Karadima, người vào năm 2011, bị Vatican kết tội lạm dụng tình dục các vị thành niên, nhưng bản tường trình do Đức Giáo Hoàng ủy nhiệm thấy vấn đề sâu xa hơn”.

Các phương thuốc

Martín cũng quả quyết rằng trong một văn kiện phân phối cho các giám mục Chile ngay cuộc họp đầu tiên ngày 15 tháng 5, và bị rì rỏ cho Đài Truyền Hình T13 của Chile, Đức Phanxicô nói đến việc sa thải một số giám mục, “nhưng điều này chưa đủ, chúng ta phải đi xa hơn”.

Theo Đức Phanxicô, phải “giúp tìm ra ánh sáng để chữa trị vết thương chưa khỏi, một vết thương làm đau đớn và phức tạp”. Ngài nói thêm: đây là “một vết thương từ trước đến nay được chữa trị bằng thứ thuốc, thay vì chữa lành, xem ra càng làm cho nó sâu hơn và đau đớn hơn”.

Trong số những phương thuốc ấy là việc các giáo sĩ có tác phong vô luân được thuyên chuyển qua các giáo phận khác với mức trầm trọng trong tác phong được “tối thiểu hóa” và được gán cho “sự yếu đuối hay thiếu luân lý đơn giản”.

Đức Giáo Hoàng cho rằng tường trình Scicluna cũng xác nhận có việc xử lý tệ các lời tố cáo, vì trong nhiều trường hợp, có những dấu chỉ rõ ràng cho thấy tội ác “bị bác bỏ một cách phiến diện, coi như không chắc có thực”.

Nguyên nhân sâu xa nhất là Giáo Hội Chile đã biến cải tâm điểm của mình, chỉ biết nghĩ đến mình (self-absorbed), lấy mình làm trung tâm. Ngài cũng đề cập đến việc Giáo Hội Chile đã trở thành vụ ưu tuyển (elitist), coi một số cá nhân hay một số nhóm là “toàn bộ dân Chúa”.

Ngài nói: “cái tâm lý ưu tuyển hoặc vụ ưu tuyển này kết cục sản sinh ra các động lực chia rẽ, phân cách, ‘những giới đóng kín’ dẫn tới các nền linh đạo tự yêu mình thái quá và độc tài, trong đó, thay vì rao giảng Tin Mừng, điều quan trọng là cảm thấy mình đặc biệt, khác biệt với người khác do đó để lại bằng chứng cho thấy cả Chúa Giêsu Kitô lẫn người khác đều không đáng kể. Chủ nghĩa duy xức dầu, vụ ưu tuyển, giáo sĩ trị tất cả đều đồng nghĩa với sa đọa trong hữu thể giáo hội”.

Đức Phanxicô kêu gọi ác giám mục tránh cơn cám dỗ “tự cứu mình” và danh tiếng của mình, và mời gọi các ngài xưng thú với cộng đồng sự yếu đuối của mình để cùng nhau tìm được “các giải đáp khiêm nhường, cụ thể và trong hiệp thông với dân Chúa”.

Đức Phanxicô kết luận bằng cách nói rằng các duy nhất để tránh được việc kéo dài mãi các hành vi tội ác trong tương lai là nhìn nhận rằng đây là một “vấn đề của tất cả chúng ta chứ không phải là vấn đề của một số người”.



Các nhận định trên của Đức Phanxicô được sự nhất trí của các Giám Mục Chile, nên trong cuộc họp báo ngày 17 tháng 5, Đức Cha Ramos, Giám Mục Phụ Tá Santiago và là tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Chile cho hay: trong các buổi gặp gỡ, quyết định đã được củng cố là “để hòa điệu nhiều hơn với ý muốn của Đức Thánh Cha, điều thích hợp là tuyên bố sự sẵn sàng tuyệt đối nhất của chúng tôi đặt việc bổ nhiệm mục vụ của chúng tôi trong tay Đức Giáo Hoàng”

Ngài nói thêm: “bằng cách này, chúng tôi có thể thực hiện một cử chỉ hợp đoàn và bác ái trong việc nhận cho mình, dù một cách đau đớn, các sự kiện trầm trọng đã xẩy ra, và để Đức Thánh Cha có thể tự do bãi chức tất cả chúng tôi”.

Dấu hợp đoàn và bác ái trên chắc chắn được Đức Phanxicô đánh giá cao, vì sẽ dẫn Giáo Hội Chile trở lại gương mặt vốn xinh đẹp trước đây. Trong tài liệu rì rỏ, ngài có nhắc đến gương mặt đó khi viết rằng: lịch sử cho thấy “trong những thời buổi đen tối của lịch sử dân mình, Giáo Hội tại Chile vốn có sự can đảm tiên tri không những cất cao tiếng nói của mình, mà còn đến với nhau để tạo không gian cho việc bảo vệ các người nam nữ” được Thiên Chúa ủy thác cho mình che chở.

Ngài viết thêm: Giáo Hội Chile thường biết rằng mình không thể công bố tình yêu Thiên Chúa nếu không cổ vũ việc thăng tiến đích thực và chân chính từng mỗi con người nhờ công lý và hòa bình.